Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Xót cảnh gia đình suốt 10 năm chật vật trong “bóng tối”


Gia đình Lê Minh Hải, chị Trần Thị Hương (ở đội 1, khối 8, Tân Thành, thị trấn Buôn Trấp- Đắk Lắk) đã phải sống hơn 10 năm dưới ánh đèn leo lắt trong ngôi nhà tạm dưới ngọn đồi cà phê.

Cả nhà sinh hoạt bằng hai cái ác quy.

Nghỉ lễ 30/4 được mấy ngày, tôi cùng anh bạn học từ Đà Lạt về Đắk Lắk chơi. Tiện thể, thăm bà con huyện Krông Ana - Buôn Trấp - Đắk Lắk. Di chuyển bằng xe buýt khoảng 100km, chúng tôi phải đi bộ hơn 2km nữa, băng qua những cái lò gạch lớn, mới tới được ngôi nhà “tạm” nằm sâu dưới một ngọn đồi cà phê. Cái nắng hừng hực, khói bốc lên từ lò gạch làm toát cả mồ hôi. Thấp thoáng sau ngôi nhà là những rừng cà phê, đang trong mùa thiếu nước tưới, cây ủ rủ, khô héo vì nắng nóng kéo dài. Dọc đường hỏi thăm bà con, mới biết giai đình anh chị đã 10 năm nay sống không có điện.

Gia đình anh Hải 10 năm qua sống trong ngôi nhà tạm dưới ngọn đồi cà phê


Bước vào trong nhà càng nóng hơn, tôi không chịu được phải chạy ra gốc cây bơ ngồi nghỉ. Thế mà cả nhà anh Hải sống được trong mười năm trời ròng, không có quạt điện, không tivi, không tủ lạnh... Ngôi nhà tạm, chỉ xây bao xung quanh bằng số gạch xin được ở lò gạch. Nơi anh Hải, chị Hương và con gái lớn là Hồng thường đi gánh gạch. Mái nhà lợp mấy tấm tôn đơn giản, che mưa, chắn gió cho khỏi lạnh. “Điện chưa có lấy gì quạt, tivi, tủ lạnh, trời nắng nóng thì mắc cái võng dù ở gốc cây trước nhà rồi ba mẹ con ra đó mà “xuýt”. Nhà người quen, ngoài phố mấy lần cho cái quạt điện mà mình không lấy, “kiêu lắm!”. Thực ra thì nhà có điện đâu mà lấy quạt làm gì”.- anh Hải cười .

Hai anh chị lấy nhau được 3 năm thì sinh được hai đứa con gái, ở quê nhà nghèo, không làm ra tiền  để nuôi sống gia đình anh Hải nói với vợ vào Đắk Lắk làm thuê kiếm sống. Năm 2003, cả nhà anh phải sống trong lò gạch. Ở trong cái lán người ta dựng tạm cho người làm thuê gánh gạch. “Công việc lúc đầu chủ yếu là đùn gạch, gánh gạch. Hết gánh gạch thì đi hái cà phê cho người ta, dần dần cũng chắt góp được ít tiền rồi mua được mảnh đất trong núi xây nhà ở. Hồi đó mua đất hết 4 triệu, xây nhà thì chỉ mất tiền mua cát và xi măng, còn gạch thì đi xin. Có vài cánh cửa thì kiếm mấy tấm gỗ trên núi về đóng tạm vào là có cửa. Vậy mà cũng hết 10 triệu mới có nhà ở.

Chỉ khổ cho hai đứa nhỏ, học không có điện, chỉ xài ác quy, chị sợ rồi mắt của các con cũng chẳng mấy chốc bị cận thị. Lúc đầu cũng cho hai chị em đi học, nhưng Hồng học kém, không theo nỗi mỗi năm phải đúc lại một lớp. Chị không kiếm đâu ra tiền đóng học phí cho cả hai chị em. Học đến lớp 5, phải cho Hồng nghỉ học ở nhà phụ làm gạch, chăn bò với ba. Còn Nhung thì học khá nên vẫn cho đi học, năm nay học lớp 7 rồi. Em nó chăm học lắm!. Được học sinh nghèo vượt khó. Vừa rồi được nhận bộ quần áo nhà trường cho, về khoe với mẹ: “Mẹ cho con học thêm môn tiếng anh nhé!. Con muốn học giỏi để sau này đi làm kiếm tiền, kéo điện vào nhà mình, đỡ đần cha mẹ khi về già. Mấy đứa bạn con có tivi nó coi thời sự suốt nên cái gì nó cũng biết, con đi học phải biết kiến thức xã hội nhiều mà về nhà thì không biết xem cái gì cả. Chỉ suốt ngày ngắm mấy cây cà phê mẹ ạ!”. Nghe con nói mình phát khóc, làm cha, làm mẹ mà không lo được cho con cái - Chị Hương rưng nước mắt nói .

Biết khi nào có điện?

“Nhà trồng được 2 sào ca phê, lúc được giá thì không có cà bán, lúc mất giá thì cà lại được mùa, chi tiêu trong gia đình cũng chủ yếu là đồng tiền làm được từ gánh gạch. Mỗi ngày hai cha con kiếm được 150 nghìn, có ngày cũng chỉ được 70 nghìn vì hết việc. Bây giờ máy móc nhiều, đâu phải làm thủ công như trước nữa nên cũng ngày làm ngày nghỉ” - anh Hải kể.
 Ngày nghỉ lễ mọi người đi ra phố chơi, hai cha con anh Hải vẫn đi gánh gạch. Nghe tin chúng tôi đến, chị Hương ra cổng đón vào, rồi gọi điện cho anh Hải về nhà có khách. Lúc này cũng đã gần 12 giờ trưa, hai cha con mặt còn lấm lem bụi than, xỉ gạch mới về đến nhà. Anh Hải vốn rất hiếu khách mặc dù trời nắng nóng, làm về mệt nhưng vẫn nói vợ đưa tiền chạy chiếc xe Drem tàn tạ dính đầy bùn đất, ra chợ mua hai con cá chép về nấu lẫu. Bữa trưa chúng tôi ngồi trong nhà ăn cơm mà nóng đến chảy mỡ, ăn uống cứ như bị tra tấn. “Chắc hai em mới đến nên không quen, chứ anh sống ở đây mười năm rồi nên cũng thấy bình thường”- anh Hải nhìn chúng tôi cười.

Góc học tập của em Nhung 


Vừa ăn vừa nói chuyện tôi hỏi: “Sao nhà anh không bắt điện? Nhắc đến chuyện bắt điện, anh nói: “Chắc không bắt được đâu, phải có cột điện và kéo dây cả cây số mới đến được nhà mình. Mấy người ngoài phố nói, muốn bắt điện vào đến đây cũng phải hết 120 triệu. Mình thì không có tiền nhiều như vậy, có nằm mơ cũng không thấy. Làm thuê như mình biết khi nào mới bắt được điện. Mình đi làm về rồi ăn uống xong là đi ngủ, chỉ tội cho đứa con út phải học bài. Mua mấy bóng đèn neon nhỏ (loại dùng trong bể cá cảnh), nối dây với ác quy cho con học. Mỗi khi hết điện thì xách đi xạc ở nhà người quen, mỗi tháng đóng 40 nghìn tiền điện. Phải mua hai cái, hết cái này còn có cái khác cho con nó học”- anh Hải tâm sự.

“Khi mình cưới vợ ở ngoài Hà Tĩnh, cũng xin được miếng “đất hoang” trong xóm làm nhà rồi chứ. Nhà ngoài quê làm bằng vách đất, xin ngói cũ của anh em, họ hàng lợp lên thôi. Nhưng được cái ở ngoài quê có điện, có quạt, mỗi lúc nắng nóng cả nhà xúm nhau lại cho mát. Ở Hà Tĩnh cũng làm ruộng, có 2 sào  ruộng của hai vợ chồng, còn hai đứa con mới sinh sau này làm gì có ruộng. Làm không đủ ăn mới vào đây làm thuê. Vào đây, ruộng phải thuê để làm, nhà xây gạch, nền láng xi măng nhưng không điện, không quạt, nóng thì ra cái võng dù trước nhà mà ru. Mình đi làm suốt ngày, ít khi ru võng lắm!. Tối về mới ngồi chút cho mát. Thỉnh thoảng mưa to quá nước chảy không kịp thì bị ướt”.

Đến giờ đi học đứa con út của anh Hải bước từ trong nhà ra chào chúng tôi. Nhìn hai mẹ con đang chuẩn bị cho út đi học cứ như “người rừng” da đen sám nắng, người chỉ thấy hốc mắt.
Xế chiều, tôi cùng anh bạn về lại nhà, để chuẩn bị ngày mai lên lại Đà Lạt. Men theo con đường đất gồ gề, rúc dưới những tán tre rừng, tôi mới thấy được sự nhọc nhằn, vất vả của em khi đến trường. Mỗi lúc trời mưa, nhiều đoạn dốc trơn trượt, chết người. Nếu đi không cẩn thận là lao xuống rẩy cà phê dưới chân núi.

Chia tay anh chị, mà lòng tôi vẫn băn khoăn một câu hỏi. Sao chính quyền địa phương nơi đây không trích ngân sách, kéo điện đến với người dân? Để hai đứa trẻ được học hành mang “ánh sáng” về cho buôn làng. Càng nghỉ càng thương cho em!. Bạn bè cùng trang lứa với em, nghỉ hè là dịp để đi chơi, đi du lịch cùng bố mẹ, còn em nghỉ hè là để đi làm kiếm tiền với ba, đỡ đần mẹ lúc đau yếu bệnh tật.
Văn Dương


Bắt được chim lạ, một thực tập sinh mang thả vào rừng

Trong lúc đang làm việc một thực tập sinh việt nam tại Hitaka Sarugun Hokkaido đã bắt được một con chim lạ , có bộ lông sặc sỡ, đuôi khá dà...